Sử dụng tiết kiệm năng lượng là hướng tới sự phát triển bền vững

15/Sep/2023

 PV: Thời gian vừa qua chúng ta đầu tư ứng dụng rất nhiều công nghệ, thiết bị cho năng lượng điện gió, điện hạt nhân cùng nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế với mong muốn tới đây sẽ có đủ năng lượng cho phát triển đất nước, ông nghĩ gì về điều đó?

Ông Trần Quốc Thắng: Vấn đề năng lượng hiện nay có tính chất toàn cầu và chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề an ninh năng lượng. Tuy nhiên, cùng với việc đảm bảo nguồn năng lượng cung cấp cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, chúng ta cũng cần phải tính đến sự phát triển bền vững và môi trường. Điều đó rất thực tế với những nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt, đặc biệt nhiệt điện đang gây ra ô nhiễm rất lớn. Hiện nay có hai hướng đang diễn ra rất quyết liệt và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung là tìm ra các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, năng lượng mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác từ sinh học…để thay thế các nguồn nguyên liệu truyền thống. Ngoài ra, có một hướng nữa mà các nước cũng đang tập trung và đẩy mạnh là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bởi trong sản xuất phải đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ để tiêu thụ và tiêu tốn ít năng lượng hơn nhưng vẫn đảm bảo đạt được hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Từ thực tế đã đặt ra một yêu cầu cấp bách là cần rà soát và loại trừ các công nghệ cũ, những công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), dự án PECSME đã được triển khai. Sau 5 năm hoạt động, Dự án đã tạo ra môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, áp dụng kinh nghiệm quản lý tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

PV: Việc xử lý các công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng ở nước ta đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thắng: Có thể nói rằng, một điều rất đáng buồn và chúng ta đang phải nỗ lực, cố gắng khắc phục là các công nghệ trong sản xuất ở nước ta hiện nay không phải là các công nghệ tiên tiến nhất. Thường chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài về và nó thuộc thế hệ cũ. Đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là ở một số ngành như gốm sứ, dệt may… công nghệ đang rất lạc hậu. Thời gian qua, dự án PECSME đã tập trung hỗ trợ một số ngành, trong đó có ngành gốm sứ, dệt may, sản xuất gạch, chế biến thực phẩm, nhuộm… đó là những ngành mà công nghệ hiện nay của chúng ta chưa tiên tiến, nó gây ra nhiều ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng nhiều. Đây cũng là nội dung quan trọng của dự án và trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo chương trình đã xây dựng được mô hình bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có điều kiện về tài chính, đổi mới công nghệ. Cùng với đó, chúng tôi cũng rất quan tâm xây dựng các mô hình thí điểm về đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng để từ đó nhân rộng mô hình ở các ngành nghề và các địa phương.

PV: Thưa ông, gắn nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng là tôn vinh các doanh nghiệp, sản phẩm có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng… thế nhưng quá trình việc gắn nhãn như vậy vẫn chưa hiệu quả. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này ?

Ông Trần Quốc Thắng: Việc gắn nhãn tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường là một điểm rất mới mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện và cũng là một nội dung đề cập rất quan trọng trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được Quốc hội vừa ban hành. Tất nhiên trong quá trình thực hiện, chúng ta cần có quá trình để rút kinh nghiệm. Vấn đề gắn nhãn cần thiết phải có các cơ quan kiểm định, kiểm tra và giám sát việc gắn nhãn, thẩm định sản phẩm để biết được sản phẩm đó có thực sự là tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hay không. Trên thực tế, những công nghệ tiết kiệm năng lượng rất cần có các cơ quan, tổ chức đủ khả năng thẩm định để từ đó tạo niềm tin cho xã hội và người tiêu dùng. Vì lẽ đó, thời gian tới chung ta cần đẩy mạnh thực hiện kiểm định như thế nào với các sản phẩm được gắn nhãn; nâng cao năng lực cho các đơn vị có quyền cấp các nhãn, chứng nhận tiêu chuẩn của sản phẩm.

PV: Vừa qua CH Liên bang Đức đã lên tiếng với thế giới rằng sẽ loại bỏ điện hạt nhân vì lo ngại đến một số yếu tố không mong muốn. Trong điều kiện đó Việt Nam lại đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Ông nghĩ gì về hai vấn đề đối lập này ?

Ông Trần Quốc Thắng: Vấn đề an toàn các nhà máy điện hạt nhân hiện nay là một nội dung rất nóng sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Nhật Bản do hậu quả của trận động đất và sóng thần xảy ra ngày 11/3/2011. Tất nhiên, mỗi một quốc gia, một dân tộc có một yêu cầu, định hướng phát triển khác nhau. Tuy nhiên, qua hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân vừa qua tại Vien – Áo, đại đa số các nước hiện nay tập trung vào vấn đề an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Việc có tiếp tục phát triển các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai hay không lại phụ thuộc vào chính sách năng lượng của từng đất nước, yêu cầu của sản xuất trong từng nước. Phát triển điện hạt nhân hiện nay vẫn là một xu thế và là quyết tâm của Đảng và Nhà nước chúng ta. Nếu không an toàn chắc chắn chúng ta sẽ không xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Phát triển nhưng phải đảm bảo bền vững và an toàn – đó là quan điểm phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.